Features

Omega Planet Ocean và Omega Seamaster 300: Đâu mới là huyền thoại đồng hồ lặn?

Kể từ năm 1948, Omega đã tìm ra cách thức hoàn thiện những tuyệt tác lặn biển của mình. Khởi đầu với những mẫu đồng hồ đeo tay chống nước, nhưng bằng khát khao chinh phục đại dương, Omega đã nhanh chóng tiến vào cuộc đua của sự đổi mới, để từ đó cho ra đời những mẫu đồng hồ lặn danh tiếng và đáng tin cậy cho đến ngày hôm nay.

Aug 06, 2020 | By Lương Tôn Bình

Trong danh sách những chiếc đồng hồ lặn sừng sỏ nhất thế giới, chắc chắn không thể thiếu cái tên Seamaster – dòng đồng hồ lặn được xem là viên ngọc quý của Omega, với những dấu ấn đậm nét về mặt kỹ thuật và thiết kế cùng vẻ ngoài mạnh mẽ. Những tạo tác thuộc bộ sưu tập này luôn mang lại sự thuận tiện tối đa cho người đeo khi tham gia các chuyến khám phá đại dương.

Vào năm 2017, Omega đã khiến các tín đồ say đắm khi ra mắt phiên bản Seamaster 300 mới với những nâng cấp đáng giá lấy cảm hứng từ nguyên mẫu kinh điển của năm 1957. Năm 2019 lại tiếp tục ghi dấu một bước ngoặt lớn của Omega khi trình làng phiên bản ​​Planet Ocean Ultra Deep Professional với khả năng lặn sâu đáng kinh ngạc lên đến 10.929m. Tuyệt tác này đồng thời đã phá kỷ lục thế giới về độ sâu từng được xác lập từ rãnh Mariana.

Và hôm nay, 2 đại diện trong phân khúc đồng hồ lặn đến từ thương hiệu Omega là Seamaster 300 Master Co-Axial và Planet Ocean sẽ chính thức bước vào một cuộc so tài để tìm ra đâu là tạo tác xứng danh “huyền thoại lặn biển” của Omega.

Mặt số

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ta dễ dàng nhận thấy Planet Ocean là một chiếc đồng hồ mang đậm hơi thở hiện đại. Trên thực tế, chiếc đồng hồ này được phát triển riêng biệt và chỉ có một vài yếu tố được vay mượn từ bộ sưu tập Seamaster 300. Phiên bản đầu tiên ra mắt năm 2005, với mặt số lấy cảm hứng từ nguyên mẫu Seamaster 300 Ref. 165.024 của năm 1960 gồm các chi tiết như bộ số Ả Rập, cọc số hình thang, kim chỉ giờ dạng mũi tên lớn (cũng là chi tiết từng xuất hiện trên chiếc Trilogy năm 1957). Mặc dù kim phút dauphine thanh mảnh và tinh xảo ngày nào đã nhường chỗ cho kim thép dạng mũi tên thon dài, nhưng đây cũng là một điểm nhấn gợi nhớ về nguyên mẫu xưa cũ.

Nhưng trong phiên bản Planet Oceans mới nhất, Omega đã khoác lên tạo tác của mình thiết kế hiện đại hơn với bộ số Ả Rập rõ nét, các cọc số cũng được chế tác theo xu hướng tân thời, tạo các giác thon dài và ít góc cạnh hơn so với phiên bản trước đó, góp phần mang lại sự cứng cáp và tươi mới cho tổng thể.

Riêng với Seamaster 300, chiếc đồng hồ này lại sở hữu mặt số đậm chất cổ điển, tái hiện chân thực mặt số của nguyên mẫu năm 1957 trước mắt chúng ta. Bạn có thể nhận ra điều đó thông qua nền mặt số màu đen mờ, với cảm giác hơi sần tương tự phiên bản gốc, cũng như các kim được phủ dạ quang Super-LumiNova. Bên cạnh đó, cọc số dạng mũi tên và chữ số thể hiện bằng nét thanh mảnh truyền thống trên khung bezel cũng là ngôn ngữ thiết kế quen thuộc trong thập niên 1960 hiện diện trên phiên bản Master Co-Axial Chronometer.

Bộ máy cơ

Kể từ khi Omega chính thức ứng dụng các bộ máy cơ in-house vào quy trình chế tác đồng hồ của mình, giới mộ điệu đã được dịp chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thương hiệu có logo hình “móng ngựa” trên địa hạt cơ khí với hàng loạt tạo tác mang chứng nhận COSC. Theo đó, khả năng kháng từ vượt trội ở mức 15.000 Gauss là con số ấn tượng, cho phép đồng hồ vận hành cực kỳ chính xác bất kể điều kiện môi trường khắc nghiệt như thế nào.

Và cả hai bộ máy cơ gồm calibre 8900 của mẫu Planet Ocean và calibre 8400 lắp trên Seamaster 300 đều là những tuyệt tác cơ học đạt chuẩn Chronometer có cùng thông số kỹ thuật, với những điểm khác biệt nhỏ trong phrasing. Theo đó, cả hai bộ máy cơ đều có cùng cơ cấu thoát Daniels’ Co-Axial nổi tiếng, lò xo cân bằng làm từ silicon, rotor lên dây cót tự động theo hai hướng và khả năng dự trữ năng lượng lên đến 60 giờ.

Tuy nhiên, calibre 8900 là một bộ máy “Co-Axial Master Chronometer” đích thực, đồng nghĩa với việc bộ máy này phải trải qua các cuộc thử nghiệm vô cùng khắt khe. Để có thể đạt được chứng nhận kép METAS và COSC, bộ máy phải đảm bảo khả năng vận hành chính xác cực cao, với sai số chỉ trong khoảng -0/+5 giây mỗi ngày. Đây là một bước tiến lớn so với calibre 8400 Chronograph Co-Axial Chronometer khi chỉ đạt chuẩn COSC cho mức sai số dao động từ -4/+6 giây mỗi ngày.

Bộ vỏ

Khoác lên mình bộ vỏ có kích cỡ 41mm, Seamaster 300 tự hào là một chiếc đồng hồ lặn mạnh mẽ và bề thế hơn hẳn phiên bản gốc có kích thước chỉ 39mm. Không chỉ vậy, thiết kế góc cạnh và các bề mặt được đánh bóng còn mang lại cho Seamaster 300 dáng vẻ tinh tế và có phần khoáng đạt. Riêng ở phiên bản Planet Ocean, phong cách thiết kế lyre-lug Omega đang hiện hữu trên tạo tác này có thể không quá mới mẻ, nhưng đó lại là điều mà chúng ta từng nhìn thấy trên bộ sưu tập Seamaster và Speedmaster từ vài thập kỷ trước. Những đường cong mềm mại, những nét vát cạnh sắc nét và vấu dây ngắn giúp cho tác phẩm này phù hợp với mọi kích thước cổ tay.

Ngoài ra, độ dày là một vấn đề nên khắc phục trên Planet Ocean 600M. Với kích thước 43,5mm x 16,5mm dày hơn 1,5mm so với Seamaster 300 (có độ dày chỉ 15mm), độ dày mang đến sự khác biệt đáng kể. Độ dày ngày càng tăng là một vấn đề nan giải đối với Omega kể từ khi hãng đưa vào sử dụng các bộ máy cơ phát triển nội bộ. Điều này đã khiến cho không ít khách hàng phật lòng.

Kết luận

Cả lẫn Seamaster 300 đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, phù hợp với nhu cầu và sở thích của mỗi người. Do đó, nếu bạn là một người yêu thích sự cổ điển và chấp nhận sự hiện diện của van thoát khí helium, Seamaster 300 là một sự lựa chọn vô cùng thích hợp. Đối với những ai hướng đến vẻ ngoài táo bạo, đậm chất thể thao và yêu thích khám phá đại dương, có lẽ phiên bản Planet Ocean xứng đáng là bạn đồng hành tin cậy của họ.

Theo: Timeandtidewatches

 
Back to top