Features

Những hiểu lầm thường gặp về giới hạn kháng nước của đồng hồ

Khả năng chống nước luôn là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất trong giới chế tác đồng hồ. Tuy rất ít người trong chúng ta thường xuyên lặn sâu dưới đáy biển, nhưng thông số chống nước của đồng hồ sẽ mang đến sự an tâm đáng kể khi dự pool party, tham gia một vài môn thể thao dưới nước, hoặc đơn giản chỉ là có thể đi thoải mái dưới mưa.

Aug 12, 2020 | By Lương Tôn Bình

Trên thực tế, hầu hết các mẫu đồng hồ đều có thể chịu nước, như mưa hay vài tia nước nhỏ bắn từ bồn rửa tay. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn bị kéo vào một xoáy nước với tốc độ 100km/h?

Chỉ số chống nước là điều bị hiểu lầm nhiều nhất trong chế tác đồng hồ. Bạn chỉ cần dành đôi chút thời gian để tìm đọc thông tin xoay quanh chủ đề này trên các diễn đàn chuyên môn về đồng hồ. Nhưng hãy lưu ý, vì những thông tin sau đây có thể khiến bạn bất ngờ.

Đầu tiên, các bài thử nghiệm khả năng chống nước của đồng hồ hầu như luôn được thực hiện trong môi trường tĩnh. Lưu ý thứ hai, các bài kiểm chứng ấy cũng có thể được thực hiện trên cạn, nghĩa là đồng hồ hoàn toàn không tiếp xúc với nước trong suốt quá trình thử nghiệm. Theo đó, mẫu đồng hồ cần được thực nghiệm sẽ được đưa vào một buồng kín với mức áp suất thích hợp để kiểm tra sự rò rỉ trên vỏ. Về lý thuyết, phương pháp này tạo ra một môi trường hoàn toàn giống với khi chúng ta đưa đồng hồ đến độ sâu giới hạn.

Yếu tố thứ ba, sự khác biệt của nhiệt độ nước hiếm khi được tính đến. Như bạn đã biết, mọi thứ đều giãn nở khi nóng lên và co lại khi lạnh đi. Và hiện tượng này chắc chắn sẽ xuất hiện trên đồng hồ vì đều được chế tạo từ kim loại. Theo đó, nếu hoạt động trong môi trường nước có nhiệt độ cao, các bộ phận cấu thành bộ vỏ sẽ giãn nở đôi chút, và trong tình huống xấu nhất, hiện tượng này sẽ tạo nên khoảng hở, rò rỉ dẫn đến việc đồng hồ bị nước xâm nhập, gây hại cho bộ máy cơ và các chi tiết bên trong.

Thứ tư, các cơ cấu bảo vệ đồng hồ hoàn toàn có khả năng bị hỏng dưới áp lực nước lớn khi các thợ lặn tiến vào độ sâu nhất định. Hãy tưởng tượng, khi bạn đeo đồng hồ và lặn ở độ sâu 10m trở lại, lúc này áp suất bên ngoài sẽ tác động lên đồng hồ một ngoại lực làm cho các chi tiết cấu tạo bộ vỏ như mặt kính, vòng bezel và nắp lưng được gắn chặt với nhau hơn, từ đó loại bỏ nguy cơ bị nước xâm nhập. Tuy nhiên, khi mức áp suất đột ngột tăng cao thì nguồn ngoại lực này cũng trở nên lớn đến mức có thể gây ra tác động xấu cho chính bộ vỏ đồng hồ, thậm chí chèn ép bộ máy cơ trong trường hợp bạn sơ suất chọn nhầm một chiếc dresswatch thông thường khi lặn biển.

Điều này lý giải cho câu hỏi tại sao các dòng đồng hồ lặn tiêu biểu như Ploprof, SeaDweller, hoặc Luminor Submersible luôn được trang bị bộ vỏ dày, vòng bezel ấn tượng và có đường kính lớn.

Bên cạnh đó, bồn tắm nước nóng cũng là nơi rất nguy hiểm đối với đồng hồ đeo tay, kể cả Ploprof. Có thể giải thích như sau: bồn tắm nước nóng được xem là môi trường khá phức tạp, như nhiệt độ luôn được duy trì ở mức cao, bể sục tạo sóng và đặc biệt là các bể nước này không đủ sâu để tạo áp lực lên bộ vỏ đồng hồ như ở đề cập bên trên. Do đó, trước khi bước vào phòng tắm nước nóng, hãy cẩn thận cất chiếc đồng hồ yêu quý của bạn ở tủ giữ đồ nếu không muốn người bạn đồng hành ấy bị hư hại vì nước nóng.


 
Back to top