Features

Nhật Bản và khát khao sự chính xác trong lĩnh vực chế tác đồng hồ (Chap 2)

Ở tập trước, chúng ta đã nói về bối cảnh ra đời của nền công nghiệp đồng hồ Nhật Bản từ thuở sơ khai đến thời hiện đại. Và ở tập này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu chuyện ra đời, cũng như thế mạnh, bản sắc của các nhà sản xuất đồng hồ Nhật Bản.

Jul 24, 2025 | By Lương Tôn Bình

Khi nhắc đến thế giới chế tác đồng hồ, Thụy Sĩ nghiễm nhiên chiếm vị trí trung tâm trong tâm trí của nhiều người. Tuy nhiên, lăng kính đó lại vô tình bỏ qua những đóng góp mạnh mẽ và tri thức uyên bác đến từ nền công nghiệp Nhật Bản. 

Để tiếp nối khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin mời quý độc giả đến với các thương hiệu đồng hồ Nhật Bản tiêu biểu, đã có công khai mở và đưa tên tuổi nền công nghiệp đồng hồ xứ Phù Tang lên bản đồ thế giới.

Seiko: Hành trình tiên phong

Lịch sử của Seiko là câu chuyện về sự tiên phong, khi thương hiệu này đứng đầu trong số các nhãn hiệu đồng hồ Nhật Bản còn tồn tại đến ngày nay. Với những người sưu tầm và đam mê đồng hồ, dòng Seiko 5 có lẽ chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng họ, thường là chiếc đồng hồ cơ đầu tiên mà nhiều người sở hữu. Ngay cả những ai chưa từng sở hữu Seiko 5 cũng khó có thể bỏ qua tầm ảnh hưởng văn hóa sâu rộng của thương hiệu này. Seiko là một trong ba thương hiệu được công nhận là sở hữu khả năng sản xuất tích hợp chuyên môn hoàn toàn (theo Wikipedia)  – một đặc điểm mà chúng ta sẽ khám phá thêm về thương hiệu thứ hai trong thời gian tới.

Được sáng lập bởi Kintaro Hattori – người bắt đầu kinh doanh và sửa chữa đồng hồ tại Tokyo. Seiko hay còn được gọi là Seikosha vào thời điểm đó đã chế tác chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên vào năm 1895. Đến năm 1913, tinh thần đổi mới của Hattori được thể hiện rõ nét qua chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên của Nhật Bản, mang tên Laurel. Trong bối cảnh đồng hồ bỏ túi vẫn chiếm lĩnh thị trường, quyết định này được xem là táo bạo, nhưng đã đặt nền móng cho những thành tựu của Seiko trong những năm tiếp theo. Đáng chú ý hơn và cũng ít ai biết rằng, phần lớn các nhà sản xuất đồng hồ phương Tây chỉ bắt đầu chuyển sang đồng hồ đeo tay sau Thế chiến thứ nhất, khi các quân nhân phải buộc đồng hồ bỏ túi lên cổ tay.

Từ năm 1930 đến 1960, Seiko ghi dấu ấn với những cột mốc công nghệ đáng kể. Cụ thể, thương hiệu đã giới thiệu hệ thống chống sốc Diashock trong năm 1956, giúp tăng cường độ bền cho đồng hồ. Đến năm 1959, Seiko ra mắt Gyro Marvel – chiếc đồng hồ tự động đầu tiên được trang bị hệ thống “magic lever” nổi tiếng, tối ưu hóa việc truyền năng lượng từ rotor hai chiều, nay được gọi là cơ chế lên dây cót hai chiều.

Giai đoạn 1960 – 1980 chứng kiến sự vươn mình của Seiko, trở thành một thế lực chế tác đồng hồ mang tính toàn cầu. Đặc biệt trong thập niên 1960, Seiko trình làng chiếc đồng hồ bấm giờ đeo tay và đồng hồ lặn đầu tiên của Nhật Bản, sau khi đảm nhận vai trò Nhà tài trợ thiết bị đếm giờ chính thức cho Thế vận hội Tokyo 1964. Cuối thập niên này, Seiko đã tạo được tiếng vang tại các cuộc thi chronometry ở Thụy Sĩ.

Năm 1967, Seiko đạt vị trí thứ hai và thứ ba tại các cuộc thi chronometer của Đài thiên văn Neuchâtel, chỉ đứng sau Omega. Sau khi cuộc thi này bị hủy vào năm tiếp theo, Seiko tiếp tục tham gia Concours de Genève của Đài thiên văn Geneva, rồi giành vị trí từ thứ tư đến thứ mười trong hạng mục bộ máy đồng hồ đeo tay. Dù lý do chính thức cho việc hủy bỏ các cuộc thi là vì sự xuất hiện của đồng hồ thạch anh với tần số vượt xa đồng hồ cơ, nhưng cũng có những câu chuyện cho rằng các thương hiệu Thụy Sĩ đe dọa tẩy chay vì thành tích xuất sắc của Seiko.

Năm 1969, Seiko khởi đầu cuộc “Cách mạng Thạch anh” với chiếc đồng hồ đeo tay thạch anh đầu tiên trên thế giới: Quartz-Astron, được bán với giá 450.000 yên, theo dữ liệu lưu trữ của Seiko. Nhờ độ chính xác vượt trội so với đồng hồ cơ, Seiko dẫn đầu cuộc cách mạng này và làm nên điều mà không thương hiệu phương Tây nào thực hiện: Biến đồng hồ thạch anh thành sản phẩm hợp túi tiền. Nhờ đó, Nhật Bản đã “mang thời gian” đến cổ tay và ngôi nhà của nhiều người dân hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thực tế, thạch anh luôn có xu hướng rẻ hơn mà không làm giảm độ chính xác. Nếu các nhà sản xuất Nhật Bản không nắm bắt xu hướng này, một nhóm nhà sản xuất khác chắc chắn sẽ làm điều đó thay họ.

Thập niên 1980 ghi dấu sự phát triển của Seiko ở khía cạnh công nghệ LCD từ thập niên trước, tạo ra những chiếc đồng hồ tích hợp TV, ghi âm giọng nói và máy tính đeo tay đầu tiên trên thế giới. Đến năm 1999, Seiko giới thiệu bộ máy Spring Drive – một bước đột phá khác. Kết hợp bộ máy cơ với bộ điều chỉnh tinh thể thạch anh (thay cho cơ cấu hồi truyền thống của đồng hồ cơ và pin của đồng hồ điện tử), Spring Drive mang đến một bộ máy hoạt động êm ái với kim giây chuyển động mượt mà hiếm có. Bộ máy này được cải tiến vào năm 2005 với Calibre 9R65, có mức năng lượng dự trữ lên đến 72 giờ, đặt tiền đề cho bộ máy 9R01 ra mắt năm 2016 và các bộ máy Grand Seiko sử dụng ngày nay.

Ngoài Grand Seiko, Seiko còn sở hữu thương hiệu đồng hồ xa xỉ Credor, nơi diễn ra những hoạt động chế tác phức tạp nhất của hãng. Năm 2006, Credor ra mắt Spring Drive Sonnerie vận hành bằng bộ máy Spring Drive với chức năng điểm giờ, tiếp theo là Spring Drive Minute Repeater vào năm 2011. Năm 2016, đánh dấu sự ra đời của chiếc đồng hồ tourbillon đầu tiên mang thương hiệu Seiko: Mẫu Fugaku, lần nữa khẳng định tay nghề đỉnh cao.

Grand Seiko: Di sản của sự hoàn hảo

Dù Grand Seiko chỉ vừa trở thành một thương hiệu độc lập vào năm 2017 những đã sớm tạo được tiếng vang từ lâu trước đó. Ra đời từ năm 1960 như một dòng sản phẩm của Seiko, Grand Seiko ban đầu chỉ là một bộ sưu tập, tương tự Prospex hay Presage và ít được người chơi ở các quốc gia khác biết đến. Tuy nhiên, các mẫu đồng hồ Grand Seiko đã trở thành bí mật quý giá của giới sưu tầm toàn cầu, nhờ vào sự tận tâm của đội ngũ chế tác trong việc tạo nên chiếc đồng hồ lý tưởng. Sự chú trọng đến từng chi tiết nhỏ, như độ dài và hình dáng của kim đồng hồ đã giúp danh tiếng của Grand Seiko lan tỏa một cách tự nhiên. Đặc điểm này khiến Grand Seiko nổi bật so với các thương hiệu khác, cả từ Nhật Bản lẫn quốc tế. 

Dù không được quảng bá mạnh mẽ tại Mỹ, nhưng tiếng tăm của Grand Seiko vẫn lan truyền trong cộng đồng sưu tầm. Khi Internet bùng nổ vào những năm 1990, các diễn đàn đồng hồ đã trở thành nơi Grand Seiko khẳng định tên tuổi. Những lời khen ngợi về chuyển động mượt mà của kim giây đã thôi thúc người hâm mộ tìm đến gian hàng Seiko tại BaselWorld. Tại một trong những sự kiện đồng hồ danh tiếng diễn ra vào năm 2012, Seiko chính thức tuyên bố sẽ để Grand Seiko hoạt động độc lập. Trong thời gian đó, thương hiệu tiếp tục phát triển khả năng chế tác một cách bài bản.

Năm 2009, Grand Seiko giới thiệu bộ máy cơ Hi-Beat – bộ máy đầu tiên sau hơn 41 năm, có tần số dao động 10 lần mỗi giây, đạt độ chính xác +5 đến -3 giây mỗi ngày và gây ấn tượng bởi mức năng lượng dự trữ 55 giờ. Kế thừa tinh thần của những bộ máy từng đoạt giải, bộ máy Hi-Beat tích hợp chức năng GMT đã giành giải Petite Aiguille tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève (GPHG) năm 2014, củng cố danh tiếng của cả Seiko lẫn Grand Seiko trong việc tạo ra những cải tiến đoạt giải. 

Orient: Nét thanh lịch truyền thống

Thương hiệu Orient, hay chính xác là Orient Watch cũng là một công ty thuộc Seiko Epson, đây là một thương hiệu giàu di sản khác trong ngành đồng hồ Nhật Bản với câu chuyện khá phức tạp bắt đầu từ năm 1901, khi Shogoro Yoshida kinh doanh đồng hồ bỏ túi nhập khẩu. Đến năm 1920, ông thành lập Toko Tokei Manufacturing, sản xuất đồng hồ để bàn và đồng hồ đo chuyên dụng. Sau Thế chiến thứ hai, công ty được tái khởi động với tên Tama Keiki vào năm 1950, trước khi chính thức trở thành Orient Watch Company vào năm 1951. Năm 1951, Orient ra mắt Orient Star, tiếp nối New Orient từ năm 1950.

Những năm sau đó, Orient Star phát triển phong cách thanh lịch, cổ điển và mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt tại Trung Quốc nhờ hiệp định thương mại năm 1955. Năm 1967, Orient ra mắt Fineness – một chiếc đồng hồ tự động, có khả năng chỉ báo ngày – tháng mỏng nhất trong số các sản phẩm Nhật Bản thời bấy giờ, điều này cũng thể hiện trình độ chế tác các chi tiết nhỏ và cấu trúc vỏ liền khối. Tuy nhiên, trong thập niên 1970 và 1980, Orient chuyển hướng sang thạch anh, nhưng nhanh chóng trở lại với đồng hồ cơ vào năm 1991 qua mẫu Mon Bijou, một chiếc đồng hồ skeleton lắp bộ vỏ trong suốt được đánh bóng thủ công, tiếp theo là mẫu đồng hồ cơ sở hữu cơ chế chỉ báo năng lượng dự trữ. 

Năm 2017, Orient chính thức gia nhập Seiko Epson Corporation, tận dụng nguồn lực để phát triển các mẫu đồng hồ skeleton và semi-skeleton, điều đã trở thành dấu ấn của thương hiệu trong hiện tại. Đỉnh cao là vào năm 2021, Orient Star ra mắt mẫu Avant-Garde Skeleton phiên bản đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập, sở hữu cơ cấu hồi silicon sử dụng công nghệ MEMS tiên tiến từ ngành bán dẫn của Epson. Hiện nay, 80% số bộ máy của Orient là máy cơ, phản ánh chiến lược tôn vinh di sản và chuyển từ hình ảnh công nghệ sang cảm xúc, phù hợp với xu hướng hiện đại của ngành đồng hồ Nhật Bản.

Citizen: Sự kết hợp của di sản và đổi mới

Citizen với câu chuyện khởi nguồn kết hợp giữa Seiko và Casio, bắt đầu hành trình từ những năm 1920 dưới tên Shokosha Watch Research Institute từ chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên. Tên “Citizen” được Thị trưởng Tokyo – Bá tước Shinpei Goto đặt với hy vọng sản phẩm sẽ được mọi người yêu quý và sử dụng lâu dài. Đến năm 1930, Shokosha trở thành Citizen Watch Company, mang theo khát vọng từ chiếc đồng hồ đầu tiên.

Dù nổi tiếng với các sản phẩm đáng tin cậy từ thập niên 1930 đến 1980, nhưng Citizen lại thực sự tỏa sáng với những đổi mới quan trọng. Năm 1957, hãng ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên của Nhật Bản, và mẫu Citizen X8 Titanium Chronometer ra mắt năm 1970 đã trở thành đồng hồ đầu tiên trên thế giới sử dụng vỏ titanium. Đến năm 1993, Citizen tiếp tục mang đến đồng hồ đồng bộ thời gian nguyên tử đa băng tần đầu tiên, với độ chính xác trong vòng một giây mỗi 100.000 năm. Công ty con Miyota của Citizen tiếp tục phát triển với bộ máy Precisionist sử dụng tinh thể dao động nhanh gấp tám lần tinh thể thạch anh thông thường, đạt độ chính xác +/- 10 giây mỗi năm. Ngoài ra, công nghệ Eco-Drive sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho bộ máy thạch anh siêu chính xác như A060 còn mang lại độ chính xác +/- 5 giây mỗi năm.


 
Back to top