Features

Đồng hồ Grande Sonnerie: Tinh hoa đúc kết từ hàng thế kỷ của Vacheron Constantin

Những chiếc đồng hồ Grande Sonnerie mang trong mình truyền thống chế tác hàng thế kỷ của Vacheron Constantin. Trong số những chiếc đồng hồ lâu đời nhất được bảo tồn cho đến nay, chiếc đồng hồ du lịch đầu tiên sở hữu chức năng phức tạp như vậy xuất hiện từ năm 1820.

Nov 02, 2021 | By Lương Tôn Bình

Khi nói đến đồng hồ bỏ túi, nguyên mẫu lâu đời nhất sở hữu chức năng Grande và Petite Sonnerie trong bộ sưu tập di sản Vacheron Constantin được chế tác vào năm 1827. Tiếp theo sau là một số chiếc đồng hồ được trang bị các cơ chế tương tự, một vài mẫu trong số đó đã trở thành đại diện cho những tạo tác mang tính bước ngoặt được ưu ái với một loạt các tính năng cực kỳ phức tạp, chẳng hạn như chiếc “Packard” được ra mắt vào năm 1918 hoặc chiếc đồng hồ của Vua Fouad I được hoàn thiện vào năm 1929.

Gần đây hơn, vào năm 2015 – nhân dịp kỷ niệm 260 năm thành lập Maison, một chiếc đồng hồ bỏ túi phức tạp nhất thế giới là Ref. 57260 đã được trình làng, góp phần khẳng định chuyên môn của Vacheron Constantin trong lĩnh vực chế tác đồng hồ tinh xảo.

“Từ lâu tôi đã mơ ước sở hữu trong bộ sưu tập của mình một chiếc đồng hồ bỏ túi điểm chuông Westminster thực thụ, 5 cồng và 5 búa tích hợp chức năng Grande và Petite Sonnerie, được tô điểm bằng phương pháp tráng men tiểu họa”. Đó chính là suy nghĩ của vị khách đã đặt làm mẫu đồng hồ này, từ đó dẫn đến sự ra đời của bộ máy cơ Calibre 3761 có đường kính 71mm và dày 17mm. Bộ máy được điều chỉnh bởi một tourbillon 60 giây có thể nhìn thấy qua nắp lưng trong suốt.

Tourbillon được điều khiển bởi bộ dao động 2,5Hz. Cơ cấu điểm chuông Westminster được trang bị trong bộ máy này là một trong những cỗ máy điểm chuông phức tạp nhất vì cần đến một chuỗi năm chiếc cồng để tạo nên giai điệu hài hòa hoàn hảo nhờ những chiếc búa gõ tương ứng được kiểm soát bởi bốn giá đỡ. Trên đồng hồ đeo tay, cơ chế Grande Sonnerie thường được vận hành bởi một giá đỡ, chủ yếu do yêu cầu về kích cỡ. Giải pháp sử dụng hệ bốn giá đỡ và bộ giữ, với bốn giá đỡ cho phần chuông giờ và khắc, một giá đỡ cho bộ điểm chuông theo phút cải thiện độ mượt tiếp nối của các giai điệu và như một sự bổ sung tinh tế cho phép phát ra các giai điệu khác nhau tương ứng với từng khắc.

Khái niệm “Tiếng chuông Westminster” được đặt theo tên của bộ chuông trên tháp đồng hồ Big Ben tại Tòa nhà Quốc hội Anh ở London: một giai điệu bốn khuông với bốn thanh âm được chơi ở các nhịp điệu khác nhau. Ở chế độ “Grande Sonnerie”, đồng hồ điểm chuông mỗi 15 phút trôi qua, với chuông điểm giờ lặp lại ở mỗi phần tư, đó chính là ba ô nhịp của giai điệu Westminster được nối tiếp bởi năm nốt đơn mỗi 5 giờ 45 sáng.

Ở chế độ “Petite Sonnerie”, chiếc đồng hồ điểm chuông mỗi giờ và mỗi phần tư giờ trôi qua, nhưng không điểm lại giờ khi thay đổi phần tư. Cơ chế điểm chuông có thể được kích hoạt bất kỳ lúc nào bằng cách trượt lên mặt bên của đồng hồ. Sau đó, chiếc đồng hồ sẽ hoạt động như một minute repeater điểm chuông báo các phần tư, phút và giờ theo thứ tự. Công tắc chọn được đặt ở vị trí 9 giờ giúp chủ nhân lựa chọn giữa ba chế độ.

Ở chế độ “Sonnerie”, đồng hồ sẽ tự động được kích hoạt mỗi một phần tư giờ, giống như chiếc đồng hồ treo tường. Ở chế độ “Night Silence”, một tính năng đặc biệt được phát triển và điều chỉnh đặc biệt để tương thích với bộ chuyển động 3761 theo múi giờ người đeo lựa chọn, báo thức sẽ ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 9 giờ sáng, từ đó tiết kiệm năng lượng cũng như đảm bảo sự yên tĩnh vào buổi đêm. Chế độ thứ ba và cũng là chế độ cuối cùng – chế độ “Silence” – ngừng hoàn toàn cơ chế điểm chuông.

Một công tắc chọn thứ hai, được đặt ở vị trí giữa 10 và 11 giờ, được sử dụng để chuyển đổi từ Grande Sonnerie sang Petite Sonnerie theo ý muốn của chủ nhân. Hai hộp cót đảm bảo khả năng hoạt động tự động khoảng 16 giờ đối với cơ chế điểm chuông ở chế độ “Grande Sonnerie” và 80 giờ đối với việc chỉ báo thời gian, đi kèm một mô-men xoắn có thể hoạt động ổn định đến khi hết năng lượng dự trữ.


 
Back to top