Features

“Đế chế” Seiko và 12 cột mốc trong lịch sử lừng lẫy

Không đến từ Thụy Sĩ, cũng không quy tụ những nghệ nhân bậc thầy trên thế giới, Seiko vẫn tạo dựng được vị thế vững chắc trong thế giới đồng hồ hơn một thế kỷ qua. 

Aug 08, 2019 | By Hai Yen Ho

Những người biết đến Seiko chủ yếu nhờ các mẫu đồng hồ quartz giá rẻ, hoặc các cỗ máy cao cấp từ Grand Seiko có thể không biết rằng lịch sử chế tạo đồng hồ của thương hiệu bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, đồng thời tạo ra một vài mẫu đồng hồ đặc biệt đầu tiên trên thế giới. Dưới đây là 12 cột mốc nổi bật định hình nên thương hiệu lừng lẫy này:

1. Seikosha Timekeeper (1895)

Nhà sáng lập Seiko – Kintaro Hattori – chỉ mới 21 tuổi khi ông mở cửa hàng đồng hồ và đồng hồ K. Hattori ở quận Kyobashi, Tokyo, để bắt tay vào chế tạo và sửa chữa đồng hồ. Vào năm 1892, khi tròn 31 tuổi, ông hợp tác với kỹ sư Tsuruhiko Yoshikawa để thành lập nhà máy sản xuất đồng hồ Seikosha, tiền thân của Seiko ngày nay.

Sau vài năm sản xuất đồng hồ treo tường chất lượng cao, Seikosha phát hành chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên với cái tên đơn giản là Timekeeper vào năm 1895. Đồng hồ có vỏ bạc 54,9mm được sản xuất tại Nhật Bản, nhưng hầu hết bộ phận trong bộ máy 22 ligne đều được nhập khẩu từ Thụy Sĩ.

Cái tên tiếng Anh Timekeeper mang ý nghĩa kinh doanh đầy sắc sảo, vì ông Hattori nhận ra rằng một cái tên như vậy sẽ mở rộng khả năng xuất khẩu sản phẩm trong tương lai.

2. Laurel (1913)

Hattori sớm nhận ra nhu cầu đang gia tăng của đồng hồ đeo tay trên toàn thế giới, và dự đoán rằng nhu cầu về đồng hồ đeo tay sẽ sớm vượt xa so với đồng hồ bỏ túi. Do đó, ông cho ra mắt chiếc Laurel vào năm 1913, chỉ 11 năm sau chiếc đồng hồ treo tường đầu tiên của Hattori xuất hiện. Laurel có lớp vỏ bằng bạc, đường kính 29,6 mm, mặt số sứ và bộ máy 12 ligne.

Lúc đầu, việc nhập linh kiện khiến quy trình sản xuất bị chậm lại – chỉ 30 đến 50 chiếc mỗi ngày – nhưng đến năm 1910, Seikosha đã tự sản xuất được lò xo cân bằng của riêng mình và đến năm 1913, thương hiệu tạo được mặt số men.

3. Đồng hồ Seiko đầu tiên (1924)

Năm 1923, trận động đất Kanto đã phá hủy nhà máy Seikosha và các kho hàng dự trữ, khiến công ty phải tạm dừng sản xuất đồng hồ. Tuy nhiên, Hattori quyết tâm nhanh chóng xây dựng lại dù chi phí rất lớn và chỉ một năm sau, thế giới đã được biết đến chiếc đồng hồ đầu tiên có dòng chữ Seiko trên mặt số. (“Seiko” là chữ viết tắt của “Seikosha”, có nghĩa là “Ngôi nhà của tay nghề tinh tế” trong tiếng Nhật).

Việc sử dụng một cái tên không phải bằng tiếng Anh cho thấy Hattori đã đủ tự tin về chất lượng của sản phẩm, trong thời điểm hầu hết mọi người đều cho rằng chỉ có sản phẩm từ phương Tây mới sở hữu chất lượng vượt trội. Chiếc đồng hồ có vỏ 24,2mm được làm từ niken và bộ máy 9 ligne có 7 chân kính. Mặt số phụ nhỏ nhắn của đồng hồ được xem như tiêu chuẩn cho đến năm 1950, khi Seiko Super được ra mắt như chiếc đồng hồ Nhật Bản đầu tiên có kim giây trung tâm.

4. Seiko Marvel (1956)

Trong lịch sử thương hiệu, Seiko luôn coi Seiko Marvel là chiếc đồng hồ khởi đầu kỷ nguyên mới, vì là phiên bản đầu tiên có bộ máy do thương hiệu sản xuất, tức không bị ảnh hưởng bởi các bộ máy đồng hồ được sản xuất ở Thụy Sĩ hoặc các nơi khác. Đường kính bộ máy là 26mm, lớn hơn so với Seiko Super (và phù hợp với kích thước của Seiko Automatic, được ra mắt cùng năm và là chiếc đồng hồ đeo tay tự động đầu tiên của Nhật Bản).

Cỗ máy có chính xác và ổn định cao, kết hợp với một phát minh mới đến từ Seiko là hệ thống hấp thụ sốc “Diashock”, vượt trội hơn nhiều so với các sản phẩm trước đó cũng như các đồng hồ Nhật Bản khác cùng thời. Seiko Marvel được sản xuất cho đến năm 1959, khi nó được thay thế bởi Seiko Gyro Marvel, với bộ máy tự động mới cùng cơ chế Magic Lever giúp tăng hiệu quả lên dây cót.

5. Grand Seiko đầu tiên (1960)

Đây là cỗ máy Seiko đã tạo ra để đứng vào hàng ngũ các nhà chế tác hàng đầu trên thế giới xét về độ chính xác. Bộ máy cơ Calibre 3180 12 ligne có 25 chân kính và tần số 18.000 vph. Bản thân chiếc đồng hồ có vỏ được làm bằng vàng, đường kính 34,9mm và dày 10 mm.

Kể từ đó, mỗi chiếc đồng hồ Grand Seiko đều có độ chính xác tiêu chuẩn mà Seiko thiết lập tù ban đầu (điều còn nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn COSC của cơ quan Thụy Sĩ dành cho đồng hồ bấm giờ). Với mặt số sạch sẽ, kim dài và các mục chỉ thời gian rõ ràng, chiếc đồng hồ đã tạo nên những quy chuẩn thiết kế mà Grand Seiko vẫn tuân thủ cho đến ngày nay.

6. Seiko Crown Chronograph (1964)

Với tất cả những thành tựu trước đó, không có gì ngạc nhiên khi Seiko là thương hiệu tạo ra chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên của Nhật Bản. Câu chuyện bắt đầu với thế vận hội Olympic 1964 được tổ chức tại Tokyo, mà các cỗ máy từ Seiko được chọn để đo thời gian trong các lượt thi đấu.

Lần đó, Seiko đã cung cấp hơn 1.200 bấm giờ với nhiều loại khác nhau, và để kỷ niệm sự kiện trọng đại này, thương hiệu con ra mắt phiên bản đồng hồ đeo tay thương mại đầu tiên với hệ thống nút bấm đơn.

Seiko Crown Chronograph có vỏ làm từ thép không gỉ 38.2mm và dày 11.2mm, cùng khả năng chống nước 30m. Bộ máy 12 linge bên trong là Calibre 5719 có 21 chân kính.

7. Seiko Diver’s 150M (1965)

Chỉ một năm sau khi phát hành chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên của Nhật Bản, Seiko tiếp tục cho ra mắt đồng hồ lặn chuyên dụng đầu tiên từ xứ mặt trời mọc, Seiko Diver’s 150M.

Đúng như tên gọi, lớp vỏ thép không gỉ với đường kính 38mm và dày 13,4mm cho phép đồng hồ có khả năng chịu nước đến 150 mét. Đồng hồ có khung xoay hai chiều và được trang bị bộ máy Calibre 6217 tự động (17 chân kính, 18.000 vph).

Vào thời điểm đó, lặn là sở thích tương đối hiếm, vì vậy đây là sản phẩm rất chuyên dụng. Khi lặn càng trở nên phổ biến, Seiko tiếp tục cải tiến dòng đồng hồ lặn của thương hiệu. Vào năm 1968, Seiko giới thiệu bộ máy có tần suất hoạt động cao (36.000 vph) và khả năng chống nước 300m.

Năm 1975, chiếc đồng hồ lặn chuyên nghiệp đầu tiên của thương hiệu có khả năng chịu nước đến 1.000m, và cũng là chiếc đồng hồ lặn đầu tiên có vỏ bằng titan được ra đời, được tiếp nối bởi phiên bản Professional Diver khác (mẫu đầu tiên có khung viền đơn hướng) năm 1986, cũng có khả năng chống nước 1.000m.

Các tiêu chuẩn nội bộ của Seiko dành cho đồng hồ lặn đã giúp thiết lập tiêu chuẩn ISO cho dòng đồng hồ lặn, điều vẫn còn được sử dụng đến tận ngày hôm nay.

8. Seiko 5 Sports Speed Timer (1969)

1969 được xem như cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp đồng hồ, vì đó là năm diễn ra cuộc đua đồng hồ bấm giờ tự động đầy gay cấn. Một số thương hiệu Thụy Sĩ và Seiko đều nỗ lực trở thành nhà sản xuất đầu tiên đưa ra thị trường chiếc đồng hồ đeo tay tự động có khả năng bấm giờ.

Kết quả của cuộc đua này là một số mẫu đồng hồ biểu tượng của ngày nay, như Breitling Chrono-Matic, Zenith El Primero và TAG Heuer Monaco. Nhưng chiếc đồng hồ bấm giờ tự động đầu tiên thực sự có mặt trên thị trường (chính xác là vào tháng 5 năm 1969) là 5 Sport Speed Timer của Seiko.

Đồng hồ bấm giờ tự động đầu tiên trên thế giới được trang bị bộ ly hợp dọc và bánh xe dạng cột, với bộ đếm 30 phút, thang đo tốc độ tachymeter và hiển thị thứ – ngày với hệ thống song ngữ đầy sáng tạo: người đeo có thể cài đặt chế độ hiển thị bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Đồng hồ sở hữu bộ máy calibre 6139 với tần số cao 21.600 vph và vỏ thép không gỉ 30mm có khả năng chống nước 70m.

9. Seiko Quartz Astron (1969)

Cùng năm giành chiến thắng trong cuộc đua đồng hồ bấm giờ tự động, thương hiệu Seiko cũng cho ra mắt cỗ máy khiến mọi đồng hồ cơ trên thế giới đều trở nên lỗi thời. Seiko Quartz Astron, đồng hồ đeo tay thạch anh đầu tiên trên thế giới, đại diện cho một bước đột phá trong công nghệ chế tác.

Hệ thống tạo dao động thạch anh giúp bộ máy Calibre 35A bên trong Astron có được độ chính xác đáng kinh ngạc với sai số chỉ khoảng +/- 5 giây mỗi tháng, cao hơn nhiều so với bất kỳ bộ máy cơ học nào. Bộ máy nhỏ, mỏng, bảo tồn năng lượng bằng cách di chuyển kim giây chỉ một lần mỗi giây chính là bước phát triển mới mẻ cho đồng hồ đeo tay.

Bên cạnh đó, bộ dao động còn có khả năng chống sốc hiệu quả và hoạt động ở điện áp rất thấp, đảm bảo tuổi thọ pin là một năm. Điều thú vị là trong khi đồng hồ thạch anh giờ đây được biết đến như những cỗ máy thời gian rẻ tiền cho đại chúng, chiếc đồng hồ đầu tiên lại được xem như phiên bản sang trọng với vỏ ngoài bằng vàng 18k.

10. Seiko A.G.S. “Kinetic” (1988)

Sau khi ra mắt đồng hồ thạch anh, Seiko vẫn liên tục đổi mới việc chế tạo đồng hồ cơ, để ra mắt chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời vào năm 1977, và đồng hồ thạch anh được cung cấp năng lượng từ việc lên dây cót tay vào năm 1986.

Năm 1988, thương hiệu tiếp tục mang đến công nghệ mới giúp tạo dựng vị thế thương hiệu trong kỷ nguyên hiện đại: Seiko A.G.S. (Hệ thống phát năng lượng tự động, sau này được biết đến với tên gọi “Kinetic”). Bên trong bộ máy đồng hồ là trọng lượng dao động có khả năng chuyển đổi chuyển động của cổ tay đeo đồng hồ thành điện, để cung cấp năng lượng cho bộ máy thạch anh.

11. Seiko Spring Drive Spacewalk (2008)

Năm 1999, Seiko giới thiệu một công nghệ mới khác cho thị trường đồng hồ khi phát hành chiếc đồng hồ đầu tiên có bộ máy Spring Drive, có bộ dao động thạch anh nhưng được cung cấp năng lượng như chiếc đồng hồ cơ.

Kể từ lần ra mắt đó, Spring Drive đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong vô số đồng hồ Seiko, trong đó có cả một số phiên bản hiện đại của Grand Seiko. Phiên bản đáng chú ý nhất chính là Spring Drive Spacewalk, được ủy quyền đặc biệt bởi ông trùm trò chơi điện tử Richard Garriott, có cha là phi hành gia NASA và rất yêu thích Seiko. Vào tháng 10 năm 2008, Garriott đã đến thăm Trạm vũ trụ quốc tế (mục tiêu ban đầu của Garriott là trở thành người đầu tiên bước đi trong không gian – nguồn gốc của tên chiếc đồng hồ – đã không thành hiện thực).

Đồng hồ được sản xuất giới hạn với 100 chiếc, được chế tạo đặc biệt cho việc di chuyển trong không gian, với một miếng đệm giúp nó kín gió hơn ở nhiệt độ lạnh, vỏ nhẹ làm bằng titan cường độ cao và mặt số lớn với các mặt số mặt số phụ bấm giờ rõ nét, cùng lượng chất dạ quang cao gấp 3 lần tiêu chuẩn.

Ngoài ra, các nút bấm giờ trên đồng hồ cũng có kích cỡ lớn để phù hợp với trang phục cồng kềnh của các phi hành gia.

12. Seiko Astron GPS Solar (2012)

Giám đốc điều hành và Chủ tịch Seiko – ông Shinji Hattori (hậu duệ của người sáng lập), đã nhắn nhủ một thông điệp táo bạo khi ông chọn hồi sinh cái tên Astron cho đồng hồ GPS chạy bằng năng lượng mặt trời của Seiko tại triển lãm Baselworld 2012. Giống như chiếc Seiko Astron đầu tiên đã đưa cả thế giới bước vào kỷ nguyên đồng hồ thạch anh, Astron GPS Solar đại diện cho bước đầu của công nghệ đồng hồ hoàn toàn mới và có khả năng thay đổi cả cuộc chơi.

Đây là chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời, nhận tín hiệu vệ tinh GPS và điều chỉnh theo giờ địa phương chính xác ở bất cứ đâu trên Trái đất. Cỗ máy có khả năng nhận biết tất cả 39 múi giờ (đồng hồ cơ hiện tại chỉ có thể hiển thị 37 múi giờ) và cài đặt bằng tay như đồng hồ cơ.

Astron bao phủ toàn cầu nhờ việc xác định vị trí bằng GPS, sau đó so sánh thông tin đó với cơ sở dữ liệu để phân chia bề mặt Trái đất thành một triệu ô vuông, mỗi ô được gán cho một múi giờ cụ thể. Hệ thống của Astron thậm chí còn vượt trội hơn cả những chiếc đồng hồ điều khiển vô tuyến, nhận tín hiệu vô tuyến mặt đất từ ​​đồng hồ nguyên tử, để tự động nhận biết được múi giờ.

Theo Watchtime

 
Back to top