Features

Nhật Bản và khát khao sự chính xác trong lĩnh vực chế tác đồng hồ

Khi nhắc đến thế giới chế tác đồng hồ, Thụy Sĩ nghiễm nhiên chiếm vị trí trung tâm trong tâm trí của nhiều người. Tuy nhiên, lăng kính đó lại vô tình bỏ qua những đóng góp mạnh mẽ và tri thức uyên bác đến từ nền công nghiệp Nhật Bản.

Apr 08, 2025 | By Lương Tôn Bình

Nghệ thuật nói chung dù ở bất kỳ hình thức nào luôn là trụ cột chính của các nền văn hóa xuyên suốt chiều dài lịch sử. Lĩnh vực chế tác đồng hồ có khá nhiều điểm tương đồng cùng nghệ thuật, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra điều đó. Bản chất của nghệ thuật là sự biểu đạt, phản ánh những giá trị được coi là tiêu chuẩn thống nhất và phổ quát, đó thường là hiện thân văn hóa của xã hội mà nó xuất phát, vẻ đẹp nội tại thường tỏa sáng qua sự đa dạng trong cách biểu đạt.

Mặc dù quan niệm phổ biến cho rằng Thụy Sĩ là thánh địa của mọi thứ liên quan đến đồng hồ, cũng như đối với bất kỳ người đam mê đồng hồ nào, việc ghé thăm những địa danh như Le Locle, Geneva và Vallée de Joux ở dãy Jura thường mang lại cảm giác như như một cuộc hành hương vĩ đại, nhưng thế giới chế tác đồng hồ cao cấp không chỉ có một trung tâm duy nhất. 

Nếu nhìn rộng hơn, Thụy Sĩ không phải là điểm tham chiếu duy nhất trong lĩnh vực này. Hãy nhớ rằng Thomas Mudge là người Anh, Christiaan Huygens là người Hà Lan hay cả Harrison, Lépine cùng Breguet nữa, để có thêm bối cảnh đa chiều. Suy cho cùng, lịch sử là mạch máu nuôi dưỡng cho ấn phẩm WOW lần này. Trên tinh thần đó, đã đến lúc chúng ta bổ sung thêm một vài tên tuổi từ châu Á vào bức tranh toàn cảnh.

Nhật Bản cũng là một kho tàng nghệ thuật vô giá trong thời hiện đại, những bài hát, bộ phim điện ảnh Nhật Bản là hiện thân của sự tinh xảo, đổi mới sáng tạo đồng thời chú trọng đến từng chi tiết – những phẩm chất đặc trưng cho nền văn hóa xứ sở mặt trời mọc. Ví dụ, các bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli do Hayao Miyazaki sáng lập được toàn thế giới yêu mến bởi hoạt hình tinh tế đến từng chi tiết, nhạc nền du dương lay động cảm xúc và cốt truyện xúc động, đầy tính nhân văn – nhân bản, chạm đến trái tim người xem. Mặc dù đó chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng vẫn có vô số nhà sáng tạo Nhật Bản nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác đáng được nhắc tên.  

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những đặc trưng mạnh mẽ nhất của nghệ thuật Nhật Bản cũng thể hiện trong ngành chế tác đồng hồ – một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về lịch sử ngành sẽ tiết lộ nhiều điều hơn hẳn so với định kiến “đồng hồ Nhật được sản xuất hàng loạt và do đó có giá cả phải chăng”. Mặc dù chúng tôi tin rằng bạn đã biết điều đó, nhưng để hiểu nguồn gốc của ngành đồng hồ Nhật Bản, chúng ta phải thực hiện một chuyến “du hành ngược thời gian”. 

Bước nhảy trở về quá khứ lĩnh vực chế tác đồng hồ Nhật Bản đầu tiên đưa chúng ta đến tận thời kỳ Asuka – một giai đoạn có sự biến động xã hội đáng kể đối với người Nhật. Hãy hình dung ra bối cảnh: đất nước được đổi tên thành “Dai Nippon” (Đại Nhật Bản), cải cách xã hội đang diễn ra, các hình thức nghệ thuật mới đang được khai sinh, những phong cách kiến trúc mới bắt đầu xuất hiện, cùng với những thay đổi này là một làn sóng sáng tạo và lạc quan mới mẻ, trong đó thiết bị đo thời gian đầu tiên của Nhật Bản đã ra đời. 

Theo Hiệp hội Đồng hồ Nhật Bản, trích dẫn từ “Nihon-shoki” (Biên niên sử Nhật Bản), thiết bị này được sản xuất vào năm 671, khi Thiên hoàng Tenji phát triển một chiếc đồng hồ nước gọi là Ro-koku – chiếc đồng hồ đầu tiên của Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có một mô tả cho biết rằng một chiếc đồng hồ tương tự đã được Thái tử Naka no Ōe (người sau này trở thành Thiên hoàng Tenji) phát triển trong năm 660. Qua việc cả hai đều được gọi là “đầu tiên” và không có mối liên hệ nào được biết đến giữa hai thiết bị, nên chiếc Ro-koku năm 660 được xem là ví dụ đầu tiên được ghi nhận chính thức về một chiếc đồng hồ của Nhật Bản hoạt động. Việc người sáng tạo là cùng một người chắc chắn giúp làm sáng tỏ điều này.

Xét về việc thời kỳ này đã đặt nền móng cho một số khía cạnh của văn hóa Nhật Bản vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật cùng kiến trúc. Không có gì vô lý khi cho rằng phát minh ra thiết bị này đã mang lại khái niệm đo thời gian chính xác trong văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, tầm quan trọng của thời gian phổ biến ở khắp nơi trên đất nước. Chỉ cần nhìn vào sự đúng giờ đến từng giây của hệ thống đường sắt Nhật Bản để thấy việc đo lường thời gian chính xác là trung tâm của văn hóa và xã hội Nhật Bản. Việc tàu hỏa hay người trễ giờ bị coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng, nhân viên đường sắt thường cúi đầu xin lỗi hành khách một cách chân thành cho những sự cố như vậy. Những lời xin lỗi ấy hầu như không thấy ở bất kỳ nơi nào khác, đó là hình ảnh biết nói về độ quan trọng của việc đo thời gian chính xác trong bối cảnh văn hóa Nhật Bản.

Giờ tạm thời

Điểm dừng chân đáng chú ý tiếp theo trong hành trình khám phá lịch sử chế tác đồng hồ Nhật Bản là thời kỳ Edo, vào giữa thế kỷ 16. Đúng vậy, đó là một khoảng cách lớn nhưng không có sự kiện đáng kể nào về đồng hồ diễn ra cho đến khi kỷ nguyên khám phá của châu Âu đạt đến đỉnh cao. Các nhà truyền giáo Cơ đốc bắt đầu đến Nhật Bản, khiến Mạc phủ kinh ngạc bằng khoa học, toán học, tất nhiên là cả đồng hồ cơ. Họ thậm chí bắt đầu dạy người Nhật cách chế tạo đồng hồ, đàn organ cùng các dụng cụ thiên văn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đặc trưng của thời kỳ Edo là chính sách đối ngoại biệt lập và trật tự xã hội nghiêm ngặt, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi những chiếc đồng hồ trong thời kỳ này biểu thị thời gian theo cách khác biệt so với phương Tây. Hãy nhớ lại cách chúng ta bắt đầu bài viết này, vì lý do cho điều đó sắp trở nên rõ ràng.

Trong thời kỳ Edo, thời gian được biểu thị khác biệt với bất kỳ nơi nào trên trái đất, trong một “hệ thống giờ tạm thời”, trong đó một ngày được chia thành phần có ánh sáng và phần bóng tối, sau đó mỗi phần được chia thành sáu phân đoạn. Những chiếc đồng hồ này là độc nhất vô nhị của Nhật Bản, vì độ dài ngày – đêm trong các mùa hè với mùa đông là không giống nhau, do đó đòi hỏi một cơ chế phức tạp để điều chỉnh cho những biến đổi theo mùa này. Mặc dù những chiếc đồng hồ ấy trở nên lỗi thời vào cuối thế kỷ 19, nhưng chúng vẫn là minh chứng cho khả năng của các nhà sản xuất đồng hồ Nhật Bản trong việc sáng tạo những cơ chế đo thời gian phức tạp, bất chấp thách thức về độ dài không nhất quán của các mùa. 

Hệ thống này vẫn tồn tại cho đến năm 1872, khi Nhật Bản chuyển đổi từ hệ thống giờ tạm thời sang hệ thống tiêu chuẩn hóa của phương Tây (kết quả của việc thay đổi từ lịch âm sang lịch dương trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân), báo hiệu sự ra mắt tích cực của công nghệ sản xuất đồng hồ phương Tây, và cải thiện đáng kể kỹ năng kỹ thuật của ngành công nghiệp Nhật Bản nói chung, bao gồm cả ngành đồng hồ. Ngày nay, chúng ta còn có thể thấy những bước đi ban đầu này đã định hình ngành chế tạo đồng hồ như thế nào, nhờ Seiko. Nhìn chung, ngành công nghiệp đã sôi động hoạt động cho đến tận thời kỳ Taisho và đầu thời kỳ Showa. 

Công nghiệp và tay nghề thủ công

Tuy nhiên, ngành công nghiệp đồng hồ Nhật Bản bắt đầu tụt hậu so với các đối thủ Thụy Sĩ về mặt phát triển, phần lớn do Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong khi người Thụy Sĩ hoàn thành việc phát triển đồng hồ tự động, thử nghiệm thành công hệ thống chống bụi, nước, phát triển và tích hợp việc sử dụng dây cót không từ tính và phổ biến rộng rãi các bộ máy chống sốc, Nhật Bản phải đối mặt với hậu quả của cuộc phiêu lưu quân sự sai lầm của họ. Những hậu quả này bao gồm, nhưng không giới hạn ở máy móc bị hư hỏng, không có vật liệu hoặc chất lượng kém, nguồn cung cấp điện kém hay các vấn đề về nguồn lực lao động. Tất cả những điều này và hơn thế nữa đã khiến ngành công nghiệp đồng hồ đeo tay thu hẹp 60% và đồng hồ treo tường là 30%. Tuy nhiên, “Phép màu Kinh tế” của thế kỷ 20 sẽ mang đến những giải pháp khắc phục.

Ngày nay, kết quả là bối cảnh đã khác biệt rõ rệt. Đến năm 1975, Cuộc cách mạng Quartz theo cách gọi của người Nhật (hay còn gọi là Cơn khủng hoảng Quartz) bắt đầu ở Thụy Sĩ, nhưng phần lớn được vận hành và thúc đẩy bởi ngành công nghiệp Nhật Bản gần như đã cuốn trôi ngành chế tạo đồng hồ truyền thống ở khắp mọi nơi, từ Geneva đến Boston. Trớ trêu thay, đây chính là những gì mà sự ra đời của các bộ phận thay thế, được thúc đẩy bởi người Thụy Sĩ và Mỹ, đã gây ra cho ngành đồng hồ Pháp trong thế kỷ 19. Dù vậy, các thương hiệu Thụy Sĩ đã phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng cuối cùng, đặc biệt trong thập kỷ qua, nhưng ngành chế tác đồng hồ Nhật Bản không còn ở vị trí theo sau, khi xem xét số lượng thương hiệu Thụy Sĩ đã tích hợp nghệ thuật thủ công kiểu Nhật vào một số sản phẩm của họ.

Ví dụ, sơn mài Urushi của Nhật Bản đã được các thương hiệu Thụy Sĩ danh tiếng như Chopard, Bvlgari và Kari Voutilainen kết hợp trong đồng hồ của họ. Một vật liệu được trân quý đến mức ngay cả Marie Antoinette cũng có một tủ lưu trữ đặc biệt để cất giữ bộ sưu tập sơn mài Urushi quý giá của mình. Quá trình sản xuất tốn nhiều công sức đòi hỏi tính chính xác cùng sự kiên nhẫn trong từng bước nhỏ. Sơn mài Urushi sử dụng một loại nhựa thu hoạch từ cây Urushi, ở dạng thô có thể gây dị ứng (hơi giống cây thường xuân độc) trước khi được xử lý. Sau khi xử lý loại bỏ độc tính, lớp sơn này sẽ được quét lần lượt thành nhiều lớp mỏng rồi sấy khô dưới các điều kiện đặc biệt ở nhiệt độ từ 25 đến 30ºC và độ ẩm từ 75 đến 80%.

Hướng tới tương lai

Một số chiếc đồng hồ như Chopard L.U.C XP Urushi Year of the Dragon 2024, cũng được trang trí bằng kỹ thuật maki-e, một loại hình nghệ thuật có lịch sử 1.500 năm tuổi, bao gồm việc rắc các hạt vàng và bạc mịn lên lớp sơn mài còn ướt, khảm xà cừ hoặc phun vẩy vàng, bạc hoặc đồng, trước khi cố định bằng các lớp sơn mài tiếp theo. Việc ứng dụng được thực hiện bằng cách sử dụng ống tre và cọ (theo truyền thống làm bằng lông chuột), để tạo ra những đường nét cực kỳ tinh tế đòi xảo đòi hỏi chuyên môn của một bậc thầy khi thực hiện.

Tất nhiên, chúng tôi đã đề cập đến nhiều ví dụ điển hình từ Grand Seiko trong những năm qua, bao gồm cả chiếc SBGW295 ngoạn mục – minh chứng cho cả kỹ thuật sơn mài urushi và maki-e được thực hiện thủ công. Nghệ thuật tinh xảo, sự đổi mới sáng tạo cùng khả năng kỹ thuật mà những loại hình thủ công như vậy đòi hỏi để phục vụ cho ngành chế tạo đồng hồ, nơi mặt số nhỏ bé được hoàn thiện cực kỳ công phu, phản ánh những đặc điểm chính đã đặt nền móng cho lịch sử lĩnh vực đồng hồ Nhật Bản, giúp cho ngành đồng hồ Nhật Bản vượt qua khỏi biên giới và văn hóa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục bài viết chuyên sâu về các tên tuổi chế tác đồng hồ Nhật Bản trong kỳ ấn phẩm sắp tới. Hy vọng bài viết đã khơi dậy ngọn lửa tò mò của bạn, chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại với nhiều điều thú vị. 


 
Back to top