WOW's Lab

WOW’s Lab: Hãy chăm sóc bộ vỏ đồng hồ cổ đúng cách

Không thể phủ nhận rằng dòng đồng hồ cổ luôn có một sức hút rất đặc biệt đối với các tín đồ, đặc biệt khi đó là một món kỷ vật gắn liền với nhiều kỷ niệm và cảm xúc. Tuy nhiên, trải qua từng ấy năm tháng, chiếc đồng hồ chắc chắn không thể tránh khỏi những vết tích của thời gian.

Sep 08, 2020 | By Hai Yen Ho

Rất vui khi được trò chuyện cùng WOW Vietnam, tôi vừa được bố tặng lại chiếc đồng hồ yêu thích. Vừa qua tôi có mang đồng hồ đến trung tâm để bảo dưỡng bộ máy và thay mặt kính sapphire, nhưng vì vỏ đồng hồ bị trầy xước nhiều, nên nhân viên có đề xuất cho tôi giải pháp đánh bóng. Tuy nhiên vì lo ngại sẽ gây hư hỏng bộ vỏ nên tôi vẫn chưa quyết định. WOW Vietnam giải đáp giúp tôi nhé. Cảm ơn WOW Vietnam.

Công Triều (Phi công)

Chào bạn, về câu hỏi của bạn thì WOW Vietnam xin phép trả lời như sau:

Nhìn chung thì hầu hết các loại đồng hồ đeo tay đều có thể áp dụng phương pháp đánh bóng để cải thiện vẻ ngoài sau một thời gian dài sử dụng. Tuy nhiên chúng ta không nên quá lạm dụng phương pháp này, cũng như phải chọn lọc và xem xét tỉ mỉ liệu chiếc đồng hồ mà bạn đang sở hữu có thể đánh bóng được hay không. Và điều đó đặc biệt đúng với đồng hồ cổ điển vì một vài lý do. Hãy cùng WOW Vietnam đi sâu hơn về câu hỏi thú vị này nhé.

Đồng hồ đeo tay là một món đồ thường xuyên đồng hành cùng chúng ta trong bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu, thậm chí chiếc đồng hồ kề cận bên bạn còn nhiều hơn khoảng thời gian bạn sử dụng điện thoại di động.

Do đó, những va chạm và tác động ngoại lực hàng ngày sẽ làm cho bộ vỏ ngoài bị trầy xước, thậm chí là các vết lõm sâu đáng tiếc làm mất đi vẻ đẹp vốn có của chiếc đồng hồ. Điều này hẳn là thảm họa với các tín đồ, và lúc này đánh bóng là phương pháp cải thiện được nhiều người lựa chọn nhất.

Theo kinh nghiệm, cũng như tìm hiểu của chúng tôi, các loại vật liệu chế tác bộ vỏ đồng hồ có thể áp dụng hình thức đánh bóng để hồi phục nét đẹp ban đầu là thép cứng, titan cường độ cao, các loại vàng 18k, hoặc những kim loại đơn lẻ không hòa trộn thành phần phức tạp và quan trọng nhất là bề mặt cần đánh bóng hoàn toàn không qua xử lý phủ, mạ hoặc sơn phết, nếu không tình hình có thể còn tệ hơn bạn tưởng tượng.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng một cách hạn chế, vì dù khâu đánh bóng có được thực hiện tỉ mỉ và cẩn thận như thế nào cũng sẽ khiến bộ vỏ bị hao mòn đôi chút, và thường thì các cửa hiệu đánh bóng cũng sẽ khuyến cáo bạn về điều này, cũng như đề xuất bạn một giải pháp khác tối ưu hơn trong trường hợp xây xát không quá nghiêm trọng.

Quay lại với vấn đề vì sao đồng hồ cổ điển không nên ứng dụng phương pháp đánh bóng. Đầu tiên hãy lưu ý rằng các loại đồng hồ này sau một khoảng thời gian dài đồng hành cùng chủ nhân sẽ xuất hiện những vết loang lổ bất thường trên bộ vỏ.

Sở dĩ hiện tượng này xuất hiện là do lớp phủ nguyên bản trên bề mặt lớp vỏ bị lão hóa dần theo thời gian, và chất liệu để chế tác bộ vỏ này thường là các chất liệu kim loại cơ bản, có độ cứng không cao và dễ bị bào mòn như đồng hoặc thau với một tỉ lệ nhỏ sắt – thép nhằm duy trì độ cứng yêu cầu.

Vì vậy, nếu bạn áp dụng phương pháp đánh bóng với loại vật liệu này sẽ dẫn đến kết quả rất tồi tệ, không chỉ làm bong tróc lớp mạ chrome mà còn làm bộ vỏ bị khiếm khuyết nặng nề. Ngoài ra, chất liệu kim loại thông thường còn rất nhạy cảm với mồ hôi và làm cho vỏ đồng hồ bị hoen gỉ.

Lý thuyết là thế, nhưng bạn hoàn toàn có thể mang những chiếc đồng hồ cổ điển quý giá này đến các cửa hiệu chuyên nghiệp để các nghệ nhân giúp bạn xử lý bằng phương pháp mạ chrome và phục hồi lại dáng vẻ ban đầu. Là giải pháp tối ưu, nhưng mạ chrome thường đòi hỏi mức chi phí khá cao và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Nhưng trên hết, phương pháp này mang lại kết quả rất mỹ mãn và độ bền đẹp vượt thời gian.

Chúc bạn có thể sớm khôi phục lại vẻ đẹp cho chiếc đồng hồ kỷ vật của mình.


 
Back to top