Features

WOW’s Lab: Lớp phủ dạ quang trên đồng hồ có phai theo năm tháng?

Chúng ta đều biết rằng các chất dạ quang cũ thường bay màu sau nhiều năm. Liệu điều này có lặp lại với lớp phủ Luminova hay không, và đây có phải là lý do cho sự ra đời của Super-LumiNova?

Feb 22, 2019 | By Hai Yen Ho

 

Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần nắm vài thông tin về các loại chất phủ dạ quang được dùng trong đồng hồ. Theo đó, có Radium, Promethium (mà Seiko từng dùng trong một thời gian ngắn), Tritium, Luminova, Super-LumiNova, và một vài hợp chất riêng như Chromalight của Rolex hay LumiBrite của Seiko.

Trong đó, Radium và Promethium đều là các nguyên tố phóng xạ, tương ứng với ký hiệu Ra và số nguyên tử 88, cùng ký hiệu Pm và số nguyên tử 61. Tritium là đồng vị phóng xạ của hydro (3H). Vì vậy, tất cả đều có điểm chung là phóng xạ, một thứ không phổ biến trong vật phẩmthông thường. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế vẫn tiếp tục cho đến thời điểm này.

Luminova

Năm 1993, một công ty Nhật Bản có tên Nemoto & Co được cấp bằng sáng chế nhờ việc tạo ra loại vật liệu phát sáng có tên là Luminova. Luminova không sử dụng vật liệu phóng xạ để phát sáng, mà thay vào đó là loại vật liệu được gọi là strontium aluminate (SrAl2O4), kết hợp với nguyên tố hóa học không độc hại và không phóng xạ Europium (ký hiệu Eu và số nguyên tử là 63).

Có hai sự khác biệt quan trọng giữa Luminova và các vật liệu phát sáng nói trên (Radium, Promethium và Tritium). Đầu tiên và quan trọng nhất, Luminova không phải là chất phóng xạ. Điều thứ hai khá đáng kể là Luminova không tự phát sáng, mà là chất phát quang, cần được tiếp xúc với nguồn sáng trước khi đạt khả năng phát sáng.

Bột phát quang có khả năng hấp thụ và phát sáng cao

Tuy vậy, Luminova và Super-LumiNova lại không dễ được phân định rạch ròi. Một điều chắc chắn là vào năm 1998, công ty RC Tritec AG, Thụy Sĩ đã kết hợp cùng Nemoto để thành lập công ty Luminova AG, chuyên cung cấp vật liệu phát sáng cho ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Hiện nay, tất cả thương hiệu đồng hồ lớn của Thụy Sĩ đều sử dụng vật liệu phát sáng này cho mặt số và kim.

Mặt số Sinn 656.L được phủ kín lớp dạ quang Super-LumiNova

Từ năm 2000 trở đi, ít nhất là trên thị trường, tên của vật liệu phát sáng thay đổi thành Super-LumiNova. Một số người cho rằng Super-LumiNova là phiên bản nâng cao của Luminova ban đầu, được dùng cho mục đích công nghiệp. Trên thực tế, đây là loại vật liệu phát sáng do Luminova AG/Tritec cung cấp để sử dụng trong giới chế tác đồng hồ, khác với Luminova công nghiệp tiêu chuẩn từ Nemoto. Điều dễ thấy là ngày nay, cái tên Super-LumiNova của Thụy Sĩ tốn kém hơn nhiều so với Luminova công nghiệp, thứ vẫn được sản xuất bởi Nemoto (tại Nhật Bản và Bồ Đào Nha).

Thật thú vị khi thấy rằng trên trang web Nemoto, cái tên LumiNova vẫn được sử dụng. Trong khi trên trang Tritec, Super-LumiNova Thuỵ Sĩ được nhắc đến như tên riêng dành cho sản phẩm dạ quang được sử dụng trong kinh doanh đồng hồ Thụy Sĩ. Có thể là do việc gắn nhãn “Thuỵ Sĩ” khiến chất liệu này trở nên đắt đỏ hơn. Song trong trường hợp này lại không phải như vậy. Super-LumiNova Thuỵ Sĩ hoàn toàn được sản xuất và điều khiển thủ công tại Thụy Sĩ, đồng thời có tiêu chuẩn cao hơn nhiều về màu sắc và độ phát sáng so với đối thủ Nhật Bản.

Super-LumiNova khiến việc đọc giờ trong bóng đêm dễ dàng hơn rất nhiều

Những biến thể độc đáo

Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2000, vật liệu phát sáng lại có bước tiến xa hơn nữa. Mặc dù lúc đầu Luminova và Super-LumiNova chủ yếu mang màu xanh lục, các màu khác vẫn không bị quên lãng. Chẳng hạn như Rolex đã biến Super-LumiNova thành hợp chất độc quyền vào năm 2008 với cái tên Chromalight. Chromalight tỏa ánh màu xanh lam chứ không phải xanh lá cây, và Rolex tuyên bố rằng sự phát sáng này kéo dài lâu hơn, dễ dàng hơn cho người dùng nhìn thấy trong điều kiện thiếu sáng. Seiko cũng có hợp chất phát sáng độc quyền của riêng mình, được đặt tên là LumiBrite.

Trong khi đó, RC Tritec cũng liên tục được bổ sung màu mới. Điển hình là vào tháng 5 năm ngoái, vàng, cam, hồng và xanh dương đậm đã được bổ sung vào danh sách, bên cạnh các phiên bản màu xanh lá cây, xanh dương, tím và trắng.

Màu lớp phủ dạ quang độc đáo trên đồng hồ Omega

Theo thời gian, không chỉ có màu sắc ánh sáng phát ra của Super-LumiNova được phát triển, mà màu sắc bên ngoài chất dạ quang khi nhìn dưới dưới ánh sáng ban ngày cũng có nhiều biến chuyển. Trong khi Super-LumiNova ban đầu trông khá trắng, màu sắc này được nhiều nhà sản xuất thay đổi sang tông màu vàng hơn hoặc thậm chí là màu kem hay nâu. Và điều này không phải là không có lý do.

Super-LumiNova sẽ đổi màu qua thời gian?

Theo thời gian, màu sắc Radium và Tritium sẽ thay đổi. Bên cạnh việc suy giảm chức năng, điều này còn tạo nên lớp phai trên các vị trí quét lớp phủ dạ quang trên mục chỉ giờ và kim của đồng hồ. Với sự xuống cấp này, màu sắc mục chỉ giờ và kim sẽ có sự thay đổi. Đó chính là điều khác biệt giữa chiếc đồng hồ cổ điển và đồng hồ mới cáu cạnh. Điều thú vị là sự xuống màu này lại được rất nhiều nhà sưu tầm đồng hồ cổ yêu thích.

The Omega Speedmaster Speedy Tuesday II ‘Ultraman’ sử dụng lớp phát quang có màu phai giả

Tuy nhiên, đối với Luminova và Super-LumiNova của Thuỵ Sĩ, hiện tượng đổi màu hay lão hoá theo thời gian này sẽ không diễn ra. Chúng không phai, cũng không tương tác với độ ẩm. Màu sắc sẽ được giữ gìn mãi mãi. Có thể, đây không phải là tin vui dành cho những người chuộng kiểu đồng hồ cổ, song không thể phủ nhận được lợi thế về độ bền bỉ và không nhiễm phóng xạ của loại chất liệu này. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều thương hiệu đang hướng đến các sắc thái khác nhau của Super-LumiNova, như những màu trắng bợt, nâu, hay thậm chí là màu phai giả. Và quyết định lựa chọn cuối cùng thuộc về bạn.

BÀI: GERARD NIJENBRINKS
Theo Fratellowatches

 


 
Back to top