Highlight

Rolex Sea-Dweller: Từ “nhân vật phụ” đến kẻ chiếm trọn spotlight

Khi nhắc đến Rolex, hẳn nhiên Sea-Dweller không phải là cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí giới mộ điệu. Những Datejust, Day-Date, hay thậm chí Submariner mới là “Top-of-mind”.

Dec 05, 2020 | By Lương Tôn Bình

Dù không nằm trong danh sách “Top-of-mind” của Rolex, nhưng sự tồn tại âm thầm của Sea-Dweller lại đóng góp vào một phần lịch sử phát triển của Rolex, nó đại diện cho tinh thần và triết lý chế tác của Rolex: chế tạo ra những mẫu đồng hồ có độ bền đáng ngưỡng mộ và đáp ứng nhu cầu của tất cả các đối tượng!

Đi ngược lịch sử phát triển của Rolex, Sea-Dweller không hoàn toàn là bộ sưu tập đầu tiên của Rolex để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trước đó, các nhà chế tác của thương hiệu đã cho ra đời mẫu True-Beat trang bị chức năng jumping second dành riêng cho giới bác sĩ, hay Milgauss với khả năng kháng từ cho các nhà khoa học.

Mặc dù đều được trang bị những công nghệ và phát kiến vượt bậc, thế nhưng, cả hai dòng sản phẩm kể trên đều không được phát triển các thế hệ tiếp theo. Thế nhưng, Sea-Dweller thì lại khác, khi bắt đầu dự án phát triển dòng sản phẩm này khoảng 50 năm trước, mục tiêu của các nhà chế tác rõ ràng hơn: giúp cho thợ lặn khám phá sâu hơn đáy biển, và vượt ra khỏi giới hạn của bộ sưu Submariner.

Trước khi Sea-Dweller xuất hiện, Submariner cũng đã đạt được mức giới hạn lặn ấn tượng, lên đến 200m. Chính vì thế, sứ mệnh của Sea-Dweller không chỉ là khắc phục những nhược điểm của Submariner, mà còn đưa tên tuổi của Rolex vươn xa hơn nữa trong lĩnh vực lặn biển.

Chân thành mà nói, trong cuộc đua ở dòng sản phẩm đồng hồ lặn, Rolex chỉ là người đến sau, bởi một năm trước khi Submariner ra đời, Blancpain đã cho ra mắt Fifty Fathoms; và thậm chí, 20 năm trước đó, Omega đã trình làng Marine.

Đối với một mẫu đồng hồ lặn, đặc biệt là lặn sâu dưới đáy biển, thách thức lớn nhất chính là áp suất. Điều này đòi hỏi các nhà chế tác phải sử dụng khí heli, các hạt heli sẽ bám trên lớn vỏ đồng hồ trong suốt quá trình lặn giúp cân bằng áp suất.

Tuy nhiên, trong quá trình lặn biển, áp suất bên trong đồng hồ sẽ thoát ra, và vô tình khiến khí heli cũng sẽ bị đẩy hết ra ngoài. Và để giải quyết vấn đề này, Rolex đã sáng tạo ra một van thoát ngay bên cạnh lớp vỏ đồng hồ nhắm hạn chế sự thất thoát Heli. Bằng cách này, Rolex đã giải quyết triệt để bài toán mặt kính bị vỡ khi lặn sâu.

Năm 1967, sau một thời gian dài nghiên cứu, cuối cùng Sea-Dweller đã ra đời. Giờ đây, khi hơn 50 năm đã trôi qua, có rất nhiều sự đổi mới và cạnh tranh khắc nghiệt của ngành công nghiệp chế tác đồng hồ. Tuy nhiên, giá trị sáng tạo của Sea-Dweller dường như không hề thay đổi. Cùng Luxuo điểm lại chặng đường lịch sử hơn 5 thập kỉ của phiên bản đồng hồ đặc biệt này.

LỊCH SỬ ROLEX SEA-DWELLER

Reference 1665 Double Red (1967-1997)

Thành viên đầu tiên trong đại gia đình Sea-Dweller là phiên bản Double Red Sea-Dweller (DRSD). Chỉ cần nhìn qua là chúng ta có thể ngay lập tức hiểu ra nguồn gốc của biệt danh “Double Red” đến từ hai dòng chữ màu đỏ ngay trên mặt số.

So sánh với mẫu Submariner cùng thời điểm, DRSD vẫn sở hữu lớp vỏ đồng hồ 40mm chế tác từ thép không gỉ và trang bị một van heli ngay bên trái vỏ đồng hồ. Ở hướng 3 giờ là cửa số hiển thị ngày đặc trưng của thương hiệu, tuy nhiên, điểm khác biệt ở phiên bản này là không có kính lúp ngay vị trí ngày, bởi vào thời điểm đó, kính lúp chỉ được dán trực tiếp vào lớp kính, vì thế nó sẽ trở nên dễ rơi ra khi lặn sâu dưới nước. Một số biến thể khác của dòng sản phẩm này được Rolex đánh số hiệu Mark 0 đến Mark 4.

Reference 1665 “Great White” (1977-1983)

Sau “Double Red”, Rolex giới thiệu thế hệ tiếp theo mang tên “Great White”. Phiên bản này gần như tương đồng với DRSD, với khả năng kháng nước và các đặc tính đều gần như không có sự khác biệt. Điều biến “Great White” trở nên đáng giá trong mắt nhà sưu tầm toàn thế giới là bởi đây là phiên bản đồng hồ cuối của Rolex trang bị mặt kính đồng hồ từ thuỷ tinh.

Reference 16660 Triple Six (1978-1989)

Theo một cách nói khác, Ref. 16660 chính là đại diện cho Sea-Dweller thế hệ hiện đại bởi nó chính là một trong những mẫu đồng hồ đầu tiên của Rolex được trang bị mặt kính sapphire. Chi tiết này cùng lớp vỏ đồng hồ lớn hơn cho phép Ref. 16660 có khả năng lặn sâu lên đến 1.220 mét.

Ở thế hệ này, Rolex cũng đã mang đến một vài thay đổi so với Ref. 1665, có thể kể đến như viền bezel xoay đa hướng hay van thoát khí heli to hơn. Phiên bản mới còn được trang bị bộ chuyển động caliber 3035, có tần số dao động lớn hơn nhờ đó chính xác hơn.

Reference 16600 (1989-2009) 

Ra đời vào cuối thập niên 80, phiên bản này là thế hệ sau của Ref. 16660 trang bị kính sapphire và khả năng kháng nước 1.220 mét. Ref. 16600 được trang bị bộ chuyển động caliber 3135 với một số cải tiến như khả năng dự trữ năng lượng lâu hơn. Sau thời gian đình đám, Ref. 16600 sau đó đã vắng mặt suốt hơn 20 năm trong đại gia đình Rolex và cũng là mẫu đồng hồ được lùng mua pre-owned nhiều nhất và dễ dàng nhất.

Deepsea Reference 116660 (2008-hiện tại)

Được dưới thiệu vào năm 2008, phiên bản này chính là một bước tiến dài, nâng Sea-Dweller lên một tầm cao mới với khả năng kháng nước lên đến 12.800 feet tương đương 3.990m. Đây chính là kết quả của việc áp dụng kỹ thuật cơ khí bậc cao vào chế tác đồng hồ, có thể kể đến như kính sapphire dày đến 5mm.

Rolex còn giới thiệu phiên bản đặc biệt được trình làng vào năm 2014 để kỉ niệm chuyến thám hiểm rãnh Marina của đạo diễn James Cameron năm 2012. Ở chuyến đi, vị đạo diễn lừng danh đã sử dụng một mẫu Deepsea Challenge với đường kính mặt số lên đến 51mm và đính vào bên ngoài tàu thám hiểm và lặn xuống độ sâu đến 10.908 mét.

Reference 116600 (2014-2017)

Đây là phiên bản đầu tiên của Rolex được sử dụng viền Cerachrom độc quyền thay vì viền nhôm như các thế hệ Sea-Dweller trước. Lớp vỏ đồng hồ đã được các nhà chế tác thu về còn 40mm, vô cùng thích hợp cho đối tượng yêu thích nét đẹp cổ điển. Bên cạnh đó, những chi tiết như mặt số theo phong cách Maxi, các vị trí hiển thị giờ to, tất cả dường như thể hiện được sự lắng nghe của Rolex với nhu cầu của người dùng thực thụ.

Đặc biệt là vậy, thế nhưng Ref. 116600 lại là phiên bản có tuổi đời ngắn nhất trong so với những người anh em cùng nhà. Chỉ vài năm sau khi ra mắt, phiên bản này đã bị dừng sản xuất và thay thế. Tuy nhiên, thông tin rằng phiên bản này không còn tồn tại ngoài khiến cho các nhà sưu tầm ở thị trường second-hand săn tìm, và tất nhiên, giá trị của nó trên thị trường bỗng chốc tăng lên.

Reference 126600 (2017-hiện tại)

Và cuối cùng, Rolex đã trang bị một tính năng quen thuộc của mình cho Sea-Dweller – Kính lúp ở vị trí hiển thị ngày. Đây chính là mẫu đồng hồ Sea-Dweller đầu tiên được trang bị Rolex Cyclops. Và hẳn nhiên, những nâng cấp đáng giá cũng được sử dụng có thể kể đến như bộ chuyển động Caliber 3135 cho khả năng lưu trữ năng lượng lâu hơn, khả năng kháng từ và độ chính xác được cải thiện.

Theo Hodinkee

 
Back to top