The Talks

Asian Watch Collectors: Lâm Dạ Vũ – “Nhà sưu tầm đơn độc”

Sau gần một phần tư thế kỷ tìm tòi và gắn bó, giờ đây, đồng hồ Swatch đã gắn liền với cuộc sống của nhà sưu tầm Lâm Dạ Vũ, dẫu rằng tại Việt Nam, ông gần như không có ai đồng hành.

Jul 15, 2019 | By Hai Yen Ho

Chân dung nhà sưu tầm đồng hồ Lâm Dạ Vũ

Giữa rất nhiều thương hiệu và chủng loại đồng hồ khác nhau, vì sao ông lại chọn Swatch làm đối tượng sưu tầm?

Tôi bắt đầu sưu tầm Swatch kể từ năm 1996, khi thương hiệu xuất hiện lần đầu tại thị trường Việt Nam. Vào thời điểm đó, tôi chưa có đủ điều kiện tài chính để theo đuổi các mẫu đồng hồ cao cấp, mà mức giá cơ bản dành cho mỗi chiếc Swatch chỉ khoảng 50 USD. Nguyên nhân thứ hai là tôi rất đam mê nghệ thuật, mà Swatch là thương hiệu nổi tiếng với việc đưa nghệ thuật vào thiết kế đồng hồ. Thứ ba, tuy vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, nhưng việc sưu tầm Swatch đã trở thành thú chơi được nhiều người ưa chuộng trên thế giới vào quãng thời gian đó.

Thế nên, trong cộng đồng sưu tầm Swatch tại Thụy Sĩ, tôi là thành viên người Việt Nam đầu tiên. Hiện nay, cộng đồng này đã có đến vài triệu thành viên chính thức, đó là chưa kể số lượng người đeo Swatch nhưng không có ý định sưu tầm. Vì có số lượng rất đông đảo nên cộng đồng nhà sưu tầm Swatch cũng có những cách chơi thú vị. Một trong số đó là việc đeo hai chiếc Swatch ở hai bên cánh tay khi đi đến sự kiện đồng hồ lớn, như một ám hiệu riêng dành cho những người chơi Swatch.

Ông Lâm Dạ Vũ bên bộ sưu tập đồng hồ Swatch

Tôi thu thập nhiều đến mức từ cách đây rất lâu, khi được VnExpress ghi nhận vào kỷ lục Việt Nam, tôi đã có trong tay khoảng 300 chiếc đồng hồ Swatch. Đến khoảng năm 2000, khi điều kiện tài chính đã trở nên ổn định, tôi mới quan tâm đến các nhãn hiệu khác, thường là đồng hồ cơ thuộc các thương hiệu hàng đầu trên thế giới.

Tôi thu thập nhiều đến mức từ cách đây rất lâu, khi được VnExpress ghi nhận vào kỷ lục Việt Nam, tôi đã có trong tay khoảng 300 chiếc đồng hồ Swatch.

Đang sở hữu rất nhiều đồng hồ Swatch, vì sao ông lại có ý định chuyển hướng sang đồng hồ xa xỉ? Dường như hai phân khúc này không có nhiều điểm tương đồng…

Tôi chuyển sang sưu tầm các mẫu đồng hồ cao quý vì điều cốt yếu là bản thân rất yêu thích đồng hồ. Mà đã nói đến đỉnh cao của đồng hồ, không thể không nhắc đến đồng hồ cơ, những kiệt tác kỹ thuật và mỹ thuật với cấu tạo cực kỳ phức tạp. Tôi còn nhớ, chiếc đồng hồ cơ đầu tiên tôi mua mang nhãn hiệu Oris với giá 350 USD để đánh dấu ngày cưới, sau đó là các thương hiệu đồng hồ cơ lâu đời hàng đầu trên thế giới.

Tôi bắt đầu chơi Swatch vào đúng thời điểm thương hiệu ra mắt câu lạc bộ người chơi quốc tế, và trở thành một thành viên trong đó. Cái hay của việc sưu tầm Swatch là cảm giác thoải mái và thư giãn, đồng thời có cơ hội giao lưu khắp thế giới. Giờ đây, gần như khi bước đến nước nào, tôi cũng đều có bạn là người chơi Swatch, luôn sẵn sàng gặp gỡ, giúp đỡ và trao đổi lẫn nhau.

Có thể nói, tôi gần như đã tiếp xúc mọi ngõ ngách trong việc chơi và sưu tầm Swatch. Sau khi nhận thức được điều đó, tôi bắt đầu chuyển hướng sang kiểu đồng hồ cơ. Càng về sau, các đồng hồ của tôi lại càng tăng giá trị, mà chỉ cần một chiếc trong số đó cũng bằng cả bộ sưu tập Swatch cộng lại. Tuy vậy, tôi vẫn duy trì việc sưu tầm Swatch như là một sở thích khó bỏ.

Chuyển hướng sang các loại đồng hồ cơ đắt tiền, nhưng ông vẫn xem Swatch như một phần cốt yếu trong bộ sưu tập cá nhân. Điều gì ở Swatch đã tạo cho ông niềm đam mê dai dẳng đến như vậy?

Phải nói rằng tôi là người rất đam mê hội họa, nên tôi thấy thích thú khi Swatch đưa nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng lên thiết kế đồng hồ. Để nói về đồng hồ Swatch thì không bao giờ hết, vì Swatch có vô vàn đề tài phục vụ cho thị hiếu người chơi. Giới thời trang có thể tìm đến mẫu hợp tác cùng nhà thiết kế người Anh Vivienne Westwood. Giới trẻ yêu nghệ thuật đường phố và graffiti có thể sẽ thích mẫu kết hợp cùng nghệ sĩ Keith Haring. Người đam mê ẩm thực có thể thấy hứng thú với bộ sưu tập Alfred Hofkunst. Những mẫu này được gọi là Art Special, luôn luôn được sản xuất với số lượng giới hạn, theo thời gian có thể có giá trị đến cả ngàn USD so với giá gốc chỉ vài chục hoặc vài trăm USD.

Để nói về đồng hồ Swatch thì không bao giờ hết, vì Swatch có vô vàn đề tài phục vụ cho thị hiếu người chơi.

Bên cạnh đó còn là các phiên bản kỷ niệm về hội nghị thượng đỉnh, hội nghị Liên Hiệp Quốc, thế vận hội Olympic, các dịp lễ trong năm hay mười hai con giáp… Số mẫu đồng hồ mới Swatch cho ra mắt mỗi năm có thể lên đến 800, trong đó có hai bộ sưu tập Thu Đông và Xuân Hè, mỗi bộ sưu tập gồm khoảng 400 mẫu. Đó là chưa kể đến Art Special, phiên bản Giáng Sinh, kỷ niệm các sự kiện trọng đại hay hoạt động thiện nguyện… Tôi thường chỉ tập trung mua các mẫu Giáng sinh và Art Special, còn các mẫu thường thì không thể mua nổi vì quá nhiều.

Đối với người sưu tầm Swatch, họ thường hướng đến các mẫu có cách đóng gói đặc biệt, các phiên bản giới hạn, và thường có giá trị gia tăng theo thời gian. Tùy thuộc vào độ hiếm của phiên bản đồng hồ mà giá cả của đồng hồ Swatch vẫn có thể lên đến vài ngàn hay vài chục ngàn USD, dù chỉ là đồng hồ nhựa dùng pin. Như năm 2018, Swatch ra mắt phiên bản kết hợp cùng Damien Hirst có hình chuột Mickey, nhân kỷ niệm 90 năm ra mắt chú chuột huyền thoại này. Vì được sản xuất giới hạn với 1.999 nên đây có thể được xem như chiếc đồng hồ hiếm, tôi không thể mua mới mà phải mua lại với giá sưu tập, có thể lên đến vài ngàn USD so với giá gốc chỉ dao động từ 80 đến 150 USD.

Trong lịch sử Swatch, chiếc đắt tiền nhất có lẽ là phiên bản kết hợp cùng họa sĩ Kiki Picasso được ra mắt năm 1985, chỉ hai năm sau khi thương hiệu ra đời. Mặt đồng hồ được thiết kế theo cách rất đặc biệt, được tạo thành từ nhiều mảnh ghép chuyển động tạo nên sắc thái mới mỗi ngày, để đến ngày cuối cùng trong năm ghép lại thành bức tranh hoàn chỉnh. Có thể nói, đây là một tác phẩm nghệ thuật vô giá, được sản xuất với số lượng cực ít chỉ có 140 chiếc. Có thời điểm mẫu đồng hồ này được định giá lên đến 32.000 euro, hoặc dao động ở mức 20.000 euro. Đến nay, vẫn chưa có chiếc Art Special nào khác có giá vượt qua được chiếc này.

Thuộc thế hệ người chơi Swatch đầu tiên trên thế giới, ông đánh giá thế nào về cộng đồng người chơi Swatch tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, rất tiếc là không có nhiều người chơi Swatch. Từ năm 1996 đến 2000, chỉ có khoảng từ 3 đến 4 người chơi Swatch, mà sau đó hầu như đều bỏ cuộc. Thế nên trên thế giới, dân chơi Swatch thường gọi tôi với biệt danh là “nhà sưu tầm đơn độc”. Biệt danh này vẫn còn được nhiều người sử dụng đến ngày nay.

Trên thế giới, dân chơi Swatch thường gọi tôi với biệt danh là “nhà sưu tầm đơn độc”

Giờ đây, khi đã lớn tuổi hơn, tôi không còn mua nhiều đồng hồ Swatch nữa, mà chỉ tập trung vào các mẫu đặc biệt. Nếu như đồng hồ cơ thiên về kỹ thuật, cỗ máy, khả năng sáng tạo và kỹ thuật chế tác của con người, thì Swatch mang lại nhiều giá trị về tinh thần, giúp tôi cảm thấy vui vẻ hơn, có nhiều hiểu biết hơn trong thế giới nghệ thuật.

Niềm đam mê Swatch của tôi không chỉ dừng lại ở đồng hồ, mà còn mở rộng ra mảng phụ kiện liên quan như áo thun, áo mưa, nón kết, bút, móc khóa, ví tiền… Riêng về sách đồng hồ Swatch tôi cũng có một tủ. Sách kiến thức chung về đồng hồ lại là một tủ khác, tiếp đến là tủ tạp chí đồng hồ. Tôi sưu tầm nhiều đến mức nhà không còn chỗ chứa, đành phải thanh lý bớt (cười lớn). Thế nên, có thể nói, tôi không chỉ đơn giản là yêu thích đồng hồ, mà còn đam mê và sưu tập thực thụ.

ẢNH: THÀNH NGUYỄN 

 
Back to top