Markets

Việt Nam: Sân chơi của những thương hiệu xa xỉ

Việt Nam đang cho thấy vị trí của một thị trường đồng hồ tiềm năng. Và điều này càng được chứng minh với các thương hiệu đồng hồ độc lập!

Jan 14, 2019 | By Hai Yen Ho

Một ngày cuối năm 2015, hai người đàn ông tiến vào bên trong cửa tiệm đồng hồ của Breguet. Sau khi xem thử và ướm lên cổ tay một vài mẫu đồng hồ, cả hai quay ra nói với nhân viên: “Không có skeleton sao? Lúc nào có thì gọi nhé”. Chỉ từng đó thông tin cũng có thể đoán được đây là những khách hàng quen thuộc của thương hiệu. Và cũng chỉ từng ấy thông tin cũng có thể chứng minh “độ chơi” của những vị khách hàng Việt Nam. Nhưng có lẽ, đó mới chỉ là nửa đầu câu chuyện.

Nếu nói về thị trường đồng hồ, những đại gia Việt Nam có lẽ đã có được chỗ đứng nhất định. Mặc dù không thực sự lớn, nhưng tôi đã từng mục sở thị những người có tới vài chục cái Patek Philippe. Hay trước đây, tôi từng biết một vị khách mà bộ sưu tập “đồng hồ dành cho tổng thống” Speake-Marin của ông cũng lên tới cả chục cái. Hoặc trong một lần gặp mặt vị doanh nhân kinh doanh đa ngành gồm phân phối xe siêu sang, than đá, đồng thời cũng là một dealer có tiếng của giới đồng hồ Việt Nam, đáp lại câu hỏi “**** có quan tâm tới đồng hồ không?” của tôi là câu trả lời: “Em có trăm cái và một tủ watchwinder Buben & Zorweg.” Đây cũng chính là vị doanh nhân nổi tiếng với việc sở hữu chiếc Bovet có 12 cọc số là những chữ cái trong tên mình.

Đồng hồ Speake-Marin tại cửa hàng phân phối Miluxe

Hay một câu chuyện khác, năm 2018 Speake-Marin giới thiệu bộ sưu tập Đông Sơn Tourbillon chỉ có 8 chiếc, với mỗi chiếc có giá thấp nhất là 3 tỷ. Mặc dù thời gian ra mắt chưa đầy một năm, nhưng nghe đồn một vị đại gia (vẫn xin giấu tên ở đây) đã làm nhiều cách khác nhau để có thể sở hữu phân nửa bộ sưu tập.

Với những nhà sưu tầm Việt Nam, đồng hồ có ý nghĩa như những bức tranh quý. Điểm khác biệt là nó nhỏ hơn nhiều, có thể mang theo được, trưng ra hoặc cất đi khi cần thiết. Và với một thị trường nơi người ta có thể đặt cả Con Giáp năm sinh của mình lên mặt số đồng hồ (tất nhiên mức chi phí cho điều này không hề thấp – và đây là sự việc có thật của một vị giám đốc người Thanh Hoá), thị trường đó hoàn toàn có thể xem như bến đỗ mới của các thương hiệu đồng hồ cao cấp.

Tại đây, chúng ta có thể điểm qua vài cái tên như Breguet, Vacheron Constantin, Patek Philippe, Richard Mille, Blancpain, JLC, Jarquet Droz, Arnold & Son, Speake-Marin, Montblanc (được định vị thương hiệu ở phân khúc cao), Chopard, Cartier, Rolex, Bell & Ross. Đó là chưa kể đến những cái tên như Ebel, Longines, Zenith, Chronoswiss và Breitling. Thậm chí ngay cả những mẫu đồng hồ với DNA thiết kế khá hiện đại và kén người chơi, với mức giá tối thiểu trên $70.000 như Urwerk cũng đã vào thị trường.

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng tại ở Việt Nam, đàn ông vẫn là người nắm khối lượng tài sản lớn và dành tình yêu vô tận cho đồng hồ. Dễ hiểu rằng tại sao ở Việt Nam, có thể nói thị trường đồng hồ vẫn sôi động hơn so với thị trường trang sức. Theo chia sẻ từ các hãng trang sức, họ không thành công lắm tại thị trường này. Ví dụ điển hình là nhãn hàng Korloff đã đổi nhà phân phối.

Hiện nay, những cái tên trang sức ở Việt Nam cũng chỉ mới có Cartier (đặc biệt thành công – nhưng đồng hồ chiếm một tỷ trọng không hề nhỏ), Bulgari và Chopard. Song ngay kể cả với hai cái tên Bulgari và Chopard, khách hàng đồng hồ cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn so với khách hàng chọn mua đồ trang sức.

Như đã nói ở phần đầu bài viết, toàn bộ phần trên chỉ là nửa đầu của câu chuyện. Nửa sau của câu chuyện được bắt đầu với việc một người bạn nhờ tôi tìm khách mua Rolex, và bao mức giảm giá là 20% – một con số thực sự ấn tượng khi mới nghe. Nhưng nó đã không còn ấn tượng khi tôi đọc Wall Street Journal và được biết Hong Kong đang trở thành như địa ngục của các thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sỹ, khi mức xuất khẩu đồng hồ vào thị trường này giảm 30%. Các dealer ở đây buộc phải bán trong lén lút các mẫu đồng hồ với mức giảm giá tới 35% (cho một chiếc Rolex). Bởi với họ, hoặc là bán giảm giá hoặc là không thu lại được gì.

Cũng theo WSJ (Wall Street Journal), các thương hiệu thậm chí đang mua lại đồng hồ của họ từ dealer xứ Cảng Thơm. Tuy nhiên, không phải là để đấu giá mà là để có chỗ trống cho những mẫu đồng hồ mới (được giới thiệu với mức giá hợp lý hơn). Bởi cũng giống như dealer, nếu các thương hiệu không mua lại đồng nghĩa với việc họ sẽ không có chỗ cho những chiếc đồng hồ mới. Còn số phận của những chiếc đồng hồ được mua lại ra sao? Một phần trong số đó sẽ được phân tách kim loại và đá quý. Một phần khác sẽ được chuyển tới thị trường mới – nơi vẫn còn sôi động và chưa chịu nhiều ảnh hưởng.

Một điều nữa khi xét tới thị trường đồng hồ Việt Nam đó là việc đây là thị trường nhỏ – nhưng có số lượng khách hàng tiềm năng nhất định (hãy nhớ tới những người đàn ông sở hữu 100 chiếc đồng hồ hay người đặt in hình Con Giáp bản mệnh lên mặt số). Có thể nói, ở Việt Nam, các thương hiệu đồng hồ độc lập với các dịch vụ cao cấp sẽ dễ có chỗ đứng riêng. Bởi đơn giản, các thương hiệu đồng hồ này có số lượng chế tác giới hạn, trong khi số lượng khách hàng ở Việt Nam cũng nhỏ.

Dẫu rằng cần một khoảng thời gian để khách hàng làm quen, nhưng tựu trung, thương hiệu sẽ thành công nếu thực sự chất lượng, sáng tạo và có dịch vụ cao cấp. Đó cũng chính là câu chuyện của Speake-Marin tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, những thương hiệu với số lượng sản xuất lớn, phải chịu sức ép nặng nề về doanh số sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp.

BÀI: TRÍ TUỆ
ẢNH: MILUXE

 
Back to top